Thông tin chung

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ KHOA ĐIỆN

1. Khái quát chung

Khoa điện được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử trên 120 năm xây dựng và phát triển Nhà trường và cũng từng đó năm đào tạo ngành điện. Tháng 12 năm 2005, khoa chính thức đào tạo bậc Đại học. Phát huy truyền thống và danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới của Nhà trường, khoa Điện cũng không ngừng đổi mới và phát triển. Hiện nay khoa Điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có một đội ngũ giảng viên với kiến thức và trình độ tay nghề cao; có hệ thống các phòng thực hành thí nghiệm từ cơ bản đến hiện đại đạt tiêu chuẩn, xứng tầm với các trường đại học ở trong nước và khu vực.

Cũng như các khoa khác trong trường, cán bộ giảng viên và sinh viên khoa Điện được làm việc trong một môi trường năng động, sáng tạo với những phương pháp giảng dạy, học tập, quản lý chuyên nghiệp, kỷ cương, hiện đại nhưng đầy tính nhân văn. Đó là lý do mà số lượng người học lựa chọn khoa Điện là nơi khởi nghiệp không ngừng ổn định và gia tăng hàng năm.

Các ngành nghề, lĩnh vực khoa đang đào tạo gồm:

- Sau đại học: 01 ngành thạc sỹ Kỹ thuật Điện

- Đại học và Cao đẳng: 03 ngành là Công nghệ Kỹ thuật Điện-điện tử; Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa; và Công nghệ Kỹ thuật nhiệt.

- Đào tạo ngắn hạn và chuyển giao công nghệ

Các lĩnh vực mà khoa đang đào tạo được xã hội đánh giá là “Ngành của hiện tại và tương lai”. Cơ hội nghề nghiệp mà nó mang đến cho người học là rất lớn. Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực được đào tạo. Đặc biệt, người học có khả năng khởi nghiệp; tư vấn; cung cấp các giải pháp trong các lĩnh vực công nghệ được đào tạo. Có khả năng trở thành cán bộ quản lý, chuyên viên kỹ thuật làm việc cho các cơ quan nhà nước, các công ty nước ngoài hoặc cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu..

Ngoài các kiến thức về chuyên môn, sinh viên tốt nghiệp từ các ngành của khoa còn có kỹ năng giao tiếp tốt; kỹ năng làm việc theo nhóm; khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ, tin học trong giao tiếp và công việc chuyên môn; có tinh thần làm việc nghiêm túc, tự giác tuân thủ pháp luật, chấp hành kỷ luật lao động và nội quy của Doanh nghiệp; có ý thức cầu tiến, biết vươn lên trong công việc; không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào giải quyết công việc chuyên môn; có đạo đức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp; có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn; có đủ khả năng và điều kiện theo học ở các bậc trình độ cao hơn ở trong và ngoài nước có cùng chuyên ngành đào tạo.

2. Thành tích đạt được

2.1. Thành tích trong lĩnh vực đào tạo và chuyển giao công nghệ

- Đào tạo dài hạn: Trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, khoa đã đào tạo cung cấp ra thị trường lao động hàng nghìn kỹ sư, cử nhân cao đẳng kỹ thuật và người lao động có kiến thức, trình độ tay nghề cao. Rất nhiều người trong số họ hiện đang giữ những vị trí chủ chốt về mặt kỹ thuật và quản lý kỹ thuật trong các Doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Công ty Toyota, Toho, Panasonic, Canon, Nissan, Nokia, Samsung, Foxcon,….

- Đào tạo ngắn hạn và chuyển giao công nghệ: Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển của khoa, thời gian qua Khoa đã thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại và chuyển giao công nghệ cho hàng nghìn lượt người học ở các các tỉnh và các doanh nghiệp trên cả nước với hàng trăm công ty lớn như: Siemens Việt Nam, Cocacola Việt Nam, Mitshubisi, giầy Thượng đình, công ty Cơ khí Hà Nội,…

Theo số liệu khảo sát thực tế, sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp hầu hết có việc làm ngay sau khi ra trường. Đặc biệt một số sinh viên của khoa được các công ty tuyển dụng và cấp học bổng ngay từ khi chưa ra trường như: Công ty Samsung, Nissan, Denso,…

2.2. Thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học

Ngoài các hoạt động giảng dạy học tập và chuyển giao công nghệ, cán bộ giảng viên và sinh viên khoa điện còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án các cấp các thành tích đạt được như sau:

- Về Nghiên cứu khoa học: Đã thực hiện thành công trên 30 đề tại nghiên cứu khoa học các cấp trong đó có 06 đề tài cấp bộ hoặc tương đương; công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.

- Biên soạn gần 30 giáo trình và tài liệu giảng dạy và tham khảo cho các nhà xuất bản lớn như NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Khoa học & kỹ thuật;

- Về nghiên cứu khoa học cảu sinh viên cũng được quan tâm đặc biệt, hằng năm khoa đã tổ chức hướng dẫn sinh viên thực hiện hàng chục đề tài NCKH, giúp sinh viên có điều kiện gắn lý thuyết với thực tế, những năm qua sinh viên của khoa đã tham gia các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học với 31 đề tài đã được nghiệm thu. Ngoài ra sinh viên của khoa còn tích cực tham gia các cuộc thi rô bốt hàng năm do đài THVN tổ chức; các cuộc thi Olympic, thi tay nghề các cấp đoạt nhiều giải cao.

3. Định hướng phát triển

Để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe về nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển đất nước, trong thời gian tới Khoa tiếp tục thực hiện một số mục tiêu chủ yếu sau:

- Đổi mới toàn diện các chương trình đào tạo đại học và phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận thực tế sản xuất dựa trên tiêu chuẩn quốc tế (CDIO, ABET);

- Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao trình độ giảng viên trong khoa Khoa, nâng cao tỷ lệ giảng viên có tay nghề và trình độ cao bằng cách thu hút và cử các giảng viên đi đào tạo ở các cơ sở trong và ngoài nước;

- Chuẩn bị các điều kiện để mở thêm chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh. Cung cấp thêm các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyển giao công nghệ cho các Doanh nghiệp;

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang bị thêm các phòng thực hành thí nghiệm trọng điểm đạt chuẩn quốc tế để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học;

- Quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các chương trình thực tập và tìm kiếm các cơ hội việc làm cho sinh viên cho sinh viên cung cấp thêm các khóa đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp;

- Mở rộng mối quan hệ với các Cơ sở đào tạo, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thực tiễn của xã hội và hội nhập Quốc tế.