Nghiệm thu hai đề tài khoa học cấp trường của Khoa Điện, thực hiện năm 2022-2023
Sáng 16/8, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nghiệm thu 2 đề tài khoa học cấp trường “Đề xuất giải thuật tối ưu hóa phỏng sinh học lai mới trong thiết kế và điều khiển hệ xe - con lắc ngược tự cân bằng chuyển động tịnh tiến” do TS. Đào Thị Mai Phương làm chủ nhiệm và đề tài “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống nhận dạng hạt điều trong dây chuyền kiểm tra chất lượng và đóng gói hạt điều” do TS. Phạm Văn Hùng làm chủ nhiệm
Đề tài Đề xuất giải thuật tối ưu hóa phỏng sinh học lai mới trong thiết kế và điều khiển hệ xe - con lắc ngược tự cân bằng chuyển động tịnh tiến do TS. Đào Thị Mai Phương-Khoa Điện thực hiện. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu tổng quan về toán tối ưu hóa phỏng sinh học điển hình như GA, PSO hay ABC có khả năng ứng dụng tốt trong điều khiển; đề xuất được giải thuật tối ưu hóa phỏng sinh học lai nhằm tối ưu hóa thời gian hội tụ của thuật toán, nâng cao hiệu quả của giải thuật tối ưu; thiết kế chế tạo mô hình robot di động tự cân bằng trong bài toán điều khiển bám vị trí có ứng dụng giải thuật điều khiển lai đề xuất. Nhóm tác giả thực hiện các kết quả mô phỏng kiểm nghiệm lý thuyết; nghiên cứu chế tạo mô hình robot di động tự cân bằng, tiến hành các thí nghiệm trên thiết bị thực để kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu lý thuyết. Điều này đã khẳng định tính khả thi của giải pháp điều khiển đảm bảo sự cân bằng của thành quay khi xe chuyển động tịnh tiến.
TS. Đào Thị Mai Phương trình bày đề tài khoa học trước Hội đồng
Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài mang tính khoa học, ứng dụng của nghiên cứu có tiềm năng thay đổi cách nhìn hệ thống tự cân bằng. Các ứng dụng tiềm năng bao gồm xe tự lái, thiết bị vận chuyển thông minh, thậm chí cả các ứng dụng y tế như các thiết bị hỗ trợ vận động. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng điều khiển ổn định và phản ứng linh hoạt. Đây là đề tài mở ra tiềm năng ứng dụng cao trong thực tế.
Đề tài Nghiên cứu, thiết kế hệ thống nhận dạng hạt điều trong dây chuyền kiểm tra chất lượng và đóng gói hạt điều do TS. Phạm Văn Hùng - Khoa Điện làm Chủ nhiệm đề tài.
Hạt điều được sử dụng rộng rãi trong đời sống, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nguồn kinh tế lớn trong xuất khẩu sản phẩm. Trong công nghiệp chế biến hạt điều, vấn đề then chốt ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm là năng suất và chất lượng hạt điều sau chế biến. Trước đây, nhiều công nghệ điều khiển và tự động hóa đã được áp dụng trong việc hấp, sấy, bóc tách...Tuy nhiên việc kiểm tra chất lượng sau khi đã qua phân loại thô thường do công nhân thực hiện bằng tay. Do vậy, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công đoạn này nhằm tăng năng suất lao động là hết sức cần thiết.
TS. Phạm Văn Hùng trình bày đề tài khoa học trước Hội đồng
Nhóm tác giả đã nghiên cứu, thiết kế hệ thống nhận dạng lượng hạt điều chạy trên dây chuyền đóng gói hạt điều (tốc độ băng tải khoảng 1,2cm/s); Mật độ hạt điều trên băng tải 5-6 hạt/1dm2 ); sau đó nghiên cứu, đề xuất phương pháp xử lý ảnh kết hợp công nghệ AI để hệ thống nhận dạng và đưa ra vị trí hạt điều không đạt theo tiêu chí màu sắc và kích thước với sai số là 8%.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài có tính thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất. Việc áp dụng công nghệ xử lý ảnh và kiểm tra chất lượng sản phẩm là xu thế chính cho hầu hết các hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm trong đó ứng dụng mạng nơ ron nhân tạo cho quá trình xử lý ảnh đang thể hiện những ưu điểm vượt trội so với các giải pháp khác. Vì vậy đề tài nghiên cứu này có ý nghĩa khoa học và có tính cấp thiết. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tiền đề để triển khai thực hiện hướng nghiên cứu ở mức cao hơn, đó là kết hợp với doanh nghiệp sản xuất robot định hướng công nghiệp 4.0, phân loại và kiểm tra chất lượng hạt điều cũng như các loại quả khác sử dụng trong các dây chuyền chế biến thực phẩm.
Hai đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xếp loại Khá.
Chủ Nhật, 11:29 27/08/2023
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.